Hướng dẫn chi tiết kỹ thuật học piano cơ bản

Đức Thương Music School 

Số 12, đường 30/4, P. Trung Dũng ,Tp Biên Hòa - Đồng Nai

 

Các kỹ thuật cơ bản của piano bao gồm các kỹ thuật như: Non legato; Legato; Marcato; Staccato. Đây là những kỹ thuật cơ bản mà học sinh cần được học và luyện tập thường xuyên trong quá trình học piano. Do giáo trình dạy đàn tại Đức Thương Music School được thiết kế đơn giản, dễ hiểu vừa sức các em phù hợp với trình độ của học sinh trong độ tuổi từ 3-7 tuổi học trong giai đoạn đầu.

Những dạng bài tập rèn luyện các kỹ thuật cơ bản của việc học piano cùng với những ví dụ chúng tôi đưa ra sẽ có những yêu cầu phức tạp hơn để phù hợp với nhiều đối tượng và trình độ của học sinh. Trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ chọn lọc các tác phẩm phù hợp với từng cá nhân hoặc mô hình lớp học để hướng dẫn cho học sinh.

Chơi kỹ thuật Legato trên piano

Legato có nghĩa là liền tiếng, ký hiệu legato là một nét vòng cung nối các nốt nhạc không cùng cao độ với nhau. Muốn thực hiện được kỹ thuật này, học sinh cần thực hành luyện tập thật chậm, nhấn phím sau rồi mới thả phím trước một cách nhịp nhàng, làm cho tiếng đàn phát ra phải liền mạch. Tránh trường hợp nhấn đồng thời hai phím đàn cùng một lúc hoặc chưa ấn phím sau đã nhả phím trước ra quá sớm. Khi hướng dẫn học sinh thực hiện kỹ thuật legato, giáo viên cần lưu ý cho học sinh để tránh nhầm lẫn với kỹ thuật non legato. Kỹ thuật này giúp các nốt nhạc được nối lại với nhau, tạo ra các âm thanh liền mạch, giúp tác phẩm có thêm màu sắc nhẹ nhàng, truyền cảm.

Trích đoạn tác phẩm Don Juan của nhạc sĩ W. A. Mozart

Chơi kỹ thuật Legato trên piano - học đàn piano cơ bản

Chơi kỹ thuật Legato trên piano - học đàn piano cơ bản

 

Đây là tác phẩm có thể phù hợp với học sinh lứa tuổi tiểu học và học tại mô hình lớp học theo nhóm hoặc cá nhân. Đối với mô hình lớp tập thể, học sinh để chơi được tác phẩm này cần có nền tảng nhất định và nên áp dụng ở giai đoạn sau của khóa học. Tác phẩm chủ yếu sử dụng kỹ thuật legato, với ký hiệu là dấu luyến nối các nốt nhạc không cùng cao độ lại với nhau. Tay phải cần chú ý số ngón tay thay đổi ở những nốt nhạc giống nhau. Tay trái sử dụng liên tục kỹ thuật legato do đó, khi chơi, học sinh cần chơi liền mạch các nốt, nhấn nốt sau mới nhấc nốt trước để tạo ra các nốt nối tiếp nhau, liền tiếng.

Hướng dẫn kỹ thuật chơi Non legato – học piano cơ bản

Để luyện tập được kỹ thuật này, giáo viên cần yêu cầu học sinh chơi từng nốt nhạc một. Đánh nốt trước nhấc lên rồi mới chuyển sang nốt sau. Khi dạy về kỹ thuật non legato, giáo viên cần chú ý giải thích và thị phạm cho học sinh làm sao để tách nốt nhưng âm thanh vang lên không sắc, gọn như Staccato và phải ngân, nghỉ đủ trường độ của nốt nhạc. Đây là 1 dạng kỹ thuật cơ bản mà bất cứ học sinh nào khi học piano đều cần phải được luyện tập thường xuyên. Kỹ thuật non legato xuất hiện rất  nhiều trong những tác phẩm piano kể cả tác phẩm quốc tế lẫn tác phẩm piano  Việt Nam.

Trích Etude Op. 139, Ncủa K. Czerny

học kỹ thuật non legato

Đối với bài Etude Op. 139, N0 7 là dạng bài yêu cầu kỹ thuật bấm quãng 6 tay phải, đây là dạng bài chỉ dành cho học sinh đã từng học piano trước đây hoặc học sinh có năng khiếu học trong mô  hình lớp nhóm hoặc  cá nhân. Cùng với đo, để chơi được tác phẩm này, học sinh cần phải rèn luyện kỹ thuật legato 1 cách thành thạo rồi mới chuyển sang kỹ thuật non legato.

Đối với dạng bài này, giáo viên cần thị phạm và hướng dẫn cho học sinh nhiều lần, tránh trường hợp học sinh do muốn dùng lực để bấm 2 nốt cùng một lúc tạo thành việc các ngón tay bị căng cứng, gãy ngón dẫn đến đau tay và sai kỹ thuật. Đồng thời việc di chuyển và bấm chính xác các nốt cũng là một vấn đề bởi các em không có sự ước chừng và quen tay nên nếu ngay từ đầu đã tập nhanh thì sẽ kiểm soát được dẫn đến việc bấm nhầm nốt.

Trước khi vào bài, giáo viên cần cho học sinh tập thêm các bài gam quãng 6 với tốc độ chậm để quen tay và bắt bầu làm quen với quãng 6, có thể ước chừng được khoảng cách giữa các nốt. Có thể thấy trong trích đoạn bài Etude Op. 139, N0 7 không có ký hiệu gì trên đầu nốt nhạc, do đó, học sinh sử dụng kỹ thuật non legato, chơi rời các nốt ra, tạo âm thanh vang đều, nhấc tay nhẹ nhàng giữa các nốt nhạc với nhau. Để thực hiện tốt được kỹ thuật non legato, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách thả lỏng cổ tay, các ngón tay thoải mái nhịp nhàng bấm các quãng và di chuyển linh hoạt.

Học kỹ thuật Staccato trên đàn piano

Staccato là kỹ thuật yêu cầu người chơi đánh nảy, tạo ra âm thanh sắc gọn. Ký hiệu thường được thể hiện qua dấu chấm (.) trên đầu mỗi nốt nhạc. Staccato thường được sử dụng trong các tác phẩm có giai điệu vui vẻ, cùng với đó đây là kỹ thuật khó cần được luyện tập nhiều để tạo được âm sắc tốt. Đây là 1 kỹ thuật khó trong việc học piano do đó học sinh cần thực hành vững các kỹ thuật legato và non legato trước, ở giai đoạn sau, giáo viên mới nên cho học sinh học về kỹ thuật staccato.

Trích Children’ Song (Bài hát thiếu nhi) của Vekeren

Học kỹ thuật Staccato trên đàn piano

Đa số các tác phẩm có sử dụng kỹ thuật tạo âm staccato đều có giai điệu vui tươi và yêu cầu chơi ở tốc độ nhanh để có thể ra được tính chất, màu sắc đặc trưng của kỹ thuật này. Với tác phẩm Children’ Song, tất cả các nốt ở tay phải và tay trái đều có ký hiệu staccato. Muốn thực hiện được kỹ thuật này, các ngón tay và cổ tay cần thả lỏng, ngón tay khi nhấn xuống phím đàn liền lập tức nảy lên dứt khoát để tạo ra âm thanh sắc gọn. Trường độ sử dụng trong đoạn này chủ yếu là các nốt đơn, tay trái chú ý ngắt tiếng ở những chỗ có dấu lặng. Ngoài ra khi hướng dẫn cho học sinh tập tác phẩm này, giáo viên cần lưu ý học sinh tuân thủ đúng số ngón tay.

Vì kỹ thuật staccato này khá trừu tượng, nhiều học sinh mặc dù đã làm đúng những hướng dẫn của giáo viên là nhấn phím đàn xuống và bật nảy ngón tay lên lập tức nhưng vẫn không thể tạo ra âm thanh sắc đặc trưng của kỹ thuật này, nên giáo viên cần thị phạm kỹ để học sinh có thể nắm được kỹ thuật staccato trước sau đó mới ứng dụng được vào bài. Ngoài ra, trước khi thực hiện kỹ thuật staccato, học sinh có thể tập kỹ thuật non legato trước để thuộc số ngón tay đồng thời ghi nhớ được cao độ vào trường độ của bài. Sau đó, giáo viên hướng dẫn học sinh tập luyện bài theo kỹ thuật staccato để tạo nên tính chất tươi vui đồng thời bắt đầu tập luyện  để đạt được tempo yêu cầu. Đối với tác phẩm này, giáo viên có thể áp dụng cho đối tượng học sinh học lớp cá nhân hoặc lớp nhóm. Riêng với mô hình lớp tập thể, ở giai đoạn học sinh đã học tương đối thành thạo, giáo viên cũng có thể áp dụng tác phẩm này vào quá trình dạy học.

Học đánh kỹ thuật Marcato trên đàn piano

Thuật ngữ marcato chỉ một dạng kỹ thuật chơi nhấn nốt, không quá ngắn, cũng không quá dài và thường được chơi với cường độ mạnh, ký hiệu là dấu nhấn dọc hay nhấn ngang trên nốt nhạc >, /\ .

Ví dụ 4: Trích tác phẩm Etude, tác giả Gnhexian

Học kỹ thuật maracato trên đàn piano

Ở tác phẩm này, tay phải tay trái thay phiên nhau chơi ở ô nhịp số 1,3,5, ký hiệu > nhấn vào nốt đầu tiên. Khi gặp dấu >, giáo viên lưu ý học sinh cần phải nhấn vào nốt đó với cường độ mạnh để làm nổi bật nốt nhạc đó lên. Các ô nhịp 2,4 cần thực hiện kỹ thuật staccato, tay chơi nhấc ngón nhanh để thể hiện tốt, tạo ra âm thanh nảy sắc gọn. Đây là 1 trong những tác phẩm Etude cần thực hiện nhiều kỹ thuật trong cùng 1 tác phẩm. Đồng thời, giáo viên cũng cần lưu ý cho học sinh nhấc sau khi ngân đủ trường độ của nốt đen xong đến khi gặp dấu lặng cần nhấc tay lên để ngắt âm nhưng không sắc gọn như kỹ thuật staccato.

Ở tác phẩm này, giáo viên có thể lựa chọn để dạy cho mô hình lớp nhóm hoặc cá nhân và với đối tượng là học sinh đã từng học piano hoặc có khả năng tiếp thu tốt. Với mô hình lớp tập thể, giáo viên có thể chọn lọc trình độ chung của lớp đồng thời hướng dẫn kỹ từng kỹ thuật để có thể kết hợp chung trong tác phẩm này.

Bài viết khác:

Thời Khóa Biểu

Đội Ngũ Giảng Viên

Sự kiện qua ảnh

Liên kết website

Scroll