Những lỗi khi tập đàn

Duc Thuong Music School

NHỮNG LỖI SAI PHỔ BIẾN NHẤT THƯỜNG GẶP KHI HỌC ĐÀN

1. KHÔNG TẬP ĐÀN THƯỜNG XUYÊN

Trong một cuộc sống bận rộn cùng công việc và học hành, tập đàn luôn là ưu tiên số 2. Tất cả chúng ta đều phải trải qua những giai đoạn vật lộn tìm thời gian để luyện tập. Nhưng một khi bạn bắt đầu thực sự thích chơi đàn, thời gian luyện tập sẽ trở thành điều đáng được mong đợi nhất.

Làm thế nào để thích tập đàn? Điều đó phụ thuộc phần lớn vào bạn và giáo viên của bạn có kết nối được cảm xúc và cả hai trở thành 1 cặp hoàn hảo hay không. Khi cả hai bên đều có sự hoà hợp ắt sẽ tìm được hứng thú trong lúc học và tập đàn.

Sau đó, việc tập luyện cần được duy trì đều đặn hàng ngày giống như một sinh hoạt cá nhân không thể bỏ ( rửa mặt, đánh răng...)

Tập đàn thường xuyên giống như chơi ghép hình vậy. Bạn phải lao động từ những mảnh ghép thì mới thành hình. Bạn dừng lao động, hình sẽ không bao giờ ghép được, hoặc thời gian ghép hình bị ngắt quãng thì việc ghép thành hình sẽ kéo dài gấp đôi gấp ba thời gian bạn ghép hình liên tục.

2. KÊ ĐÀN Ở GÓC KHUẤT

Khi cây đàn được kê ở một góc không ai nhìn thấy, chúng ta sẽ dễ dàng lãng quên sự tồn tại của nó. Thay vào đó hãy kê ở những vị trí nôm na gọi là " đập vào mắt". Việc nhìn thấy cây đàn sẽ nhắc nhở bạn cần phải tập đàn. Thật thú vị vì chẳng mấy ai nghĩ đến yếu tố này phải không nào?

3. TẬP ĐÀN QUÁ SỨC

Tập đàn quá sức - quá lâu sẽ dẫn đến mệt mỏi về tinh thần và sức khỏe, người học sẽ nhanh nản chí, cảm thấy áp lực khi phải duy trì thời gian tập quá dài.

Đối với những người học không chuyên, thời gian luyện tập hợp lý là 30p-60p / ngày, duy trì đều đặn hàng ngày.

Đối với trẻ em, 15p - 30p / ngày là vừa đủ, có thể chia làm 2-3 lần tập.

4. TẬP LIÊN TỤC NHỮNG GÌ ĐÃ THUỘC

Trí nhớ của con người luôn có những giới hạn nhất định. Việc bạn đã hoàn thành 1 tác phẩm theo đúng yêu cầu và chơi được thuần thục, thuộc làu làu là một việc tốt. Tuy nhiên, hãy học hỏi những kiến thức mới, tìm tòi những cái mới ở những tác phẩm khác. Đừng vì Thư gửi Elise mà chỉ tập mỗi bài đó nguyên cả năm không rời

Hãy đặt cho mình những mục tiêu chinh phục mới

để luôn giữ cho việc luyện tập trở nên thú vị.

5. SAI NGÓN TAY

Dùng sai ngón tay khi luyện tập sẽ làm bạn luôn mắc lỗi và bị vấp ( đang đánh thì sai) . Hãy chú ý đến số ngón tay đã được giáo viên hướng dẫn và những gợi ý về số ngón tay trên bản nhạc nhé

6. CHƠI NHỮNG ĐOẠN DỄ NHANH HƠN ĐOẠN KHÓ

Trong 1 tác phẩm, lỗi thường xuyên gặp nhất khi tập đàn là việc chúng ta luôn phóng nhanh những đoạn dễ và phanh bất chấp ở những đoạn khó.

Hãy nhớ rằng 1 tác phẩm là một tổng thể hoàn chỉnh với tốc độ cân đối đều đặn từ đầu đến cuối bài, dù là đoạn dễ hãy đoạn khó, tốc độ vẫn sẽ duy trì đều như nhau. Tốc độ chỉ thay đổi khi trên bản nhạc xuất hiện những thuật ngữ âm nhạc chỉ sự thay đổi về tốc độ.

7. LUÔN TẬP TỪ ĐẦU ĐẾN CUỐI BÀI

Mỗi tác phẩm đều có cấu trúc chia nhỏ thành từng phần, từng câu nhạc riêng biệt. Khi tập, hãy chú ý những đoạn khó, tách riêng, tập riêng. Khi bắt đầu tập, thay vì tập từ đầu đến cuối, chọn những đoạn khó nhất của bài để tập. Sau khi đã thuộc, ghép lại cả bài. Nhưng kể cả khi chúng ta đã thuộc lòng, việc tách riêng những đoạn khó nhằn để tập sẽ giúp ta hạn chế tối đa việc mắc lỗi tại những đoạn khó khi đánh cả bài.

8. LUÔN TẬP TỐC ĐỘ NHANH KHI CHƯA THUỘC BÀI

Không phải tác phẩm nào cũng được trình diễn bằng tốc độ nhanh. Nguyên tắc khi tập bài cần tuân thủ: " Càng đi chậm bạn học càng nhanh "

Hãy tập thật chậm để có đủ thời gian quan sát bản nhạc và kiểm soát được đôi tay của mình.

9. KHÔNG ĐẾM NHỊP THÀNH TIẾNG ( giai đoạn mới học đàn )

Không nên bỏ qua phương pháp thực hành nhịp thủ công này: “đếm nhịp bằng mồm”.

Nghe hơi buồn cười nhưng lại hết sức quan trọng.

Đếm nhịp thành tiếng, đặc biệt là khi tập chậm trong giai đoạn đầu học một bản nhạc, là một cách rất hiệu quả để phát triển cảm giác nhịp điệu của bạn.

Thêm vào đó, bằng cách liên kết giọng nói và đôi tay của bạn sẽ hỗ trợ bản thân làm chủ được sự phối hợp giữa hai tay cũng như chơi được chính xác nhịp của bài.

* Lưu ý:

Đếm nhịp chỉ áp dụng cho giai đoạn đầu khi mới học đàn, và áp dụng khi tập 1 bài mới (vỡ bài). Vỡ xong bài, ổn định nhịp sẽ dừng đếm to. Thay vào đó nhịp đã được định hình trong suy nghĩ và cơ thể của bạn.

10. TẬP RIÊNG TỪNG TAY TỪ ĐẦU ĐẾN CUỐI QUÁ NHIỀU LẦN

Luôn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng theo nguyên tắc chung, luyện tập từng tay riêng biệt quá nhiều từ đầu đến cuối trước khi thử hai tay với nhau không phải là cách hiệu quả nhất để học một bài, đặc biệt nếu bạn đang tập trong các buổi tập ngắn từ 15-30p.

Sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu bạn tập theo ô nhịp. Thường sẽ là 4 ô nhịp / 8 ô nhịp , tập riêng và ghép. Sau đó tập đến đoạn tiếp theo.

Ví dụ: 4 ô nhịp, tay phải 5 lần, tay trái 5 lần, ghép 2 tay 5 lần.

11. LUÔN NHÌN CHẰM CHẰM VÀO TAY KHI TẬP ĐÀN

Hãy học thói quen quan sát bản nhạc trên giá đàn trước khi nhìn xuống tay. Chúng ta cần nhìn để đọc nốt nhạc, xác định nhịp phách, số ngón tay, sau đó mới nhìn xuống phím đàn để tìm vị trí của nốt .

Nhìn sách -> nhìn phím đàn -> nhìn ngón tay.

Quy trình này cần được vận hành đúng cách.Đừng bao giờ làm ngược hoặc chỉ chăm chăm nhìn vào những ngón tay, bạn sẽ luôn đánh sai đấy

Khi đã thuần thục thì quy trình 3 bước này chỉ diễn ra trong vài giây và lặp đi lặp lại suốt quá trình tập cho đến khi thuộc lòng. Khi đã thuộc lòng, việc cần làm chỉ là tập trung vào âm nhạc và tận hưởng.

 

Bài viết khác:

Thời Khóa Biểu

Đội Ngũ Giảng Viên

Sự kiện qua ảnh

Liên kết website

Scroll