Tại sao con học bài mới lại quên bài cũ?

Duc Thuong Music School

TẠI SAO CON HỌC BÀI MỚI LẠI QUÊN BÀI CŨ ?
Lời đầu tiên, Đức Thương Music School chân thành cảm ơn quý phụ huynh đã tin tưởng và gửi gắm con em học nhạc tại trường.
Hôm nay Đức Thương xin chia sẻ với quý phụ huynh về vấn đề “Tại sao con học bài mới lại quên bài cũ?”. Đây là vấn đề xảy ra với tất cả các bạn học nhạc, ở bất cứ trường nhạc nào. Vấn đề này cũng đã được các thầy cô giải thích thường xuyên với phụ huynh.
Bài viết sau Đức Thương xin phép được chia sẻ lại ý kiến của cô Thuyên Hà – Thạc Sĩ, giảng viên khoa Piano Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam.
Cô đã giải thích rất đầy đủ và chi tiết về vấn đề này:
“Có một sự thật như thế này: Học đàn, nếu không luyện tập thường xuyên việc quên bài là điều hiển nhiên, và đó là điều hết sức bình thường, không phải do học sinh kém, cũng không phải vì giáo viên dạy không tốt.
Đây là chuyện thường xuyên xảy ra: Khi nhìn hay nghe nhắc đến tên bài, hoặc nghe lại giai điệu, học sinh có thể vẫn nhớ là bài này đã học. Do bài đã lâu không tập đến nên những ngón tay không thể có phản xạ linh hoạt để chơi lại ngay lập tức bởi khi chơi 1 bản nhạc đồng nghĩa với việc phải đảm bảo được những yếu tố dưới đây cùng 1 lúc:
- Đúng nốt
- Đúng dấu hoá
- Đúng số ngón tay
- Đúng nhịp
Chưa kể đến việc ghi nhớ những ký hiệu, thuật ngữ âm nhạc để xử lý âm thanh, thể hiện được nội dung, cảm xúc của tác phẩm và những yếu tố phụ khác như tâm lý, sức khoẻ ... Hãy thử quan sát trên 1 bản nhạc, có bao nhiêu nốt nhạc, bao nhiêu dấu hoá, mỗi nốt nhạc tương ứng với bao nhiêu số ngón tay nhé!
Đối với 1 tác phẩm được cho là có giai điệu hay như các bố mẹ vẫn thích thì chắc chắn không dưới 1 trang. Trung bình 1 trang trở lên sẽ là vài chục, đến vài trăm, vài nghìn, vài trăm nghìn nốt nhạc. Sơ sơ như vậy.
Học đàn theo lộ trình cũng giống như chúng ta đi học từ mẫu giáo, lên lớp 1 rồi học đến lớp 12. Mỗi một bài mới đều nhắc lại kiến thức cũ bổ sung thêm kiến thức mới. Việc quên bài cũ không có nghĩa là học sinh không học được gì, vì tất cả những kiến thức đã học sẽ xuất hiện ở những bài mới sau này. Khả năng ghi nhớ của mỗi con người cũng khác nhau. Ví dụ, mình là một nghệ sĩ chuyên nghiệp có khả năng ghi nhớ được cho là khá tốt. Nói về học, mình có khả năng ghi nhớ giai điệu tất cả những tác phẩm đã từng học trong thời gian 25 năm. Đối với bài dễ có thể mở sách ra và đánh lại, nhưng bài khó như các tác phẩm lớn thì dù ghi nhớ được giai điệu , hiểu rõ từng phần của tác phẩm nhưng vẫn phải tập lại như 1 bài mới nếu không luyện tập bài đó thường xuyên ( vấn đề liên quan đến thực hành ). Ví dụ đơn giản như việc học ngoại ngữ, nếu chúng ta không thực hành nói hàng ngày thì khi cần giao tiếp chúng ta sẽ phản xạ chậm, và cần thời gian để nhớ lại.
Mọi người thường có câu : NÓI THÌ DỄ, LÀM MỚI KHÓ Cũng gần giống như việc chúng ta đã học qua những tác phẩm và lãng quên nó, sau đó nhắc lại tên tác phẩm đó thật dễ dàng nhưng đặt tay lên đàn để chơi lại ngay lập tức lại là chuyện tưởng có thể mà thực ra không thể . Chỉ số ít những nghệ sĩ chuyên nghiệp trên thế giới có thể làm được việc này. Cách duy nhất để có thể chơi được những bản nhạc mình muốn bất cứ khi nào là phải luyện tập thường xuyên, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Nếu bỏ bẵng đi một thời gian dài không tập tác phẩm đó thì khi muốn chơi lại chúng ta sẽ phải tập từ đầu, thậm chí là từ khâu vỡ bài.
Vậy nên đừng đường đột yêu cầu con bạn chơi lại bài này bài kia đã học cho bố mẹ hay một vài vị khách nghe, trừ khi con bạn theo học chuyên nghiệp. Và kể cả chuyên nghiệp thì đó cũng là một yêu cầu khó nhằn gây căng thẳng thần kinh và tăng nhịp tim bất thường đấy ạ! Nếu muốn, hãy nói trước với cô giáo của con để cô hướng dẫn con tập lại , khi đã thuần thục con sẽ chơi đàn tặng bố mẹ. Việc yêu cầu biểu diễn ngay lập tức khi chưa có sự chuẩn bị kĩ càng là điều tối kị đối với con trẻ, vô tình sẽ làm con trở nên tự ti vì không thể làm được theo yêu cầu của người lớn. Lặp lại nhiều lần những câu hỏi và yêu cầu như vậy sẽ giảm đi ít nhất 60% sự hứng thú của con bạn đối với việc học đàn. Hoặc có thể là phản ứng từ chối học đàn vì cảm thấy áp lực với những mong muốn đó từ bố mẹ hoặc người thân. Việc biểu diễn cho người thứ 3 ngoài cô giáo nghe ( bố mẹ, ông bà, khách lạ....) dù dễ hay khó nên để con tự lựa chọn bài mà con cảm thấy tự tin nhất ngay tại thời điểm đó vì con là người hiểu rõ nhất mình có thể làm được hay không. Và đừng quên hỏi ý kiến con, nếu con chưa sẵn sàng , hãy kiên nhẫn đợi lần sau bố mẹ nhé!”
Qua bài viết này, Đức Thuơng hy vọng quý phụ huynh hiểu và tiếp tục đồng hành với trường trong việc bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật ở mỗi trẻ.
Trân trọng!

Bài viết khác:

Thời Khóa Biểu

Đội Ngũ Giảng Viên

Sự kiện qua ảnh

Liên kết website

Scroll